frontend.Mobile Solution

Dự án điện huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch hoàn toàn được tạo ra từ các nguồn hình thành liên tục, có thể coi là vô hạn như gió, mưa, ánh sáng mặt trời, sóng biển, thủy triều,...Hiện nay năng lượng sạch hoàn toàn đang nhanh chóng lan rộng ở cả quy mô lớn và nhỏ, dần thay thế cho các nguồn nguyên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực quan trọng: nhiên liệu động cơ, làm mát, phát điện và hệ thống điện độc lập nông thôn. Ở Việt Nam hiện nay, phát triển nhanh nhất và hiệu quả nhất phải nhắc đến việc sử dụng năng lượng mặt trời. Có nhiều cách để khai thác năng lượng mặt trời nhờ sử dụng những công nghệ hiện đại như: sưởi ấm, năng lượng mặt trời tập trung (CSP), kiến trúc năng lượng mặt trời, quang điện, quang điện bộ tập trung (CPV) và quang hợp nhân tạo. Ngày nay, con người còn sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này theo nhiều cách khác nhau như tạo ra điện cung cấp cho thiết bị điện, làm nước nóng … để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống.

Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 20.000 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời,...

Cũng theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới WB cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2,056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực điện mặt trời rất lớn. Cụ thể, tại những vùng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng sẽ đạt được từ 2.000 đến 2.600 giờ mỗi năm. Lượng bức xạ mặt trời tính trung bình khoảng 150 kcal/m2, chiếm khoản 2.000 đến 5.000 giờ mỗi năm. Theo đó, các địa phương ở phía Bắc bình quân 1.800- 2.100 giờ nắng/năm, trong khi đó, các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh có mặt trời chiếu rọi quanh năm, ổn định kể cả vào mùa mưa với số giờ nắng trung bình năm cao hơn, từ 2.000-2.600 giờ/năm. Vì vậy, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ tự nhiên mang lại, chính phủ Việt nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi từ chính sách vĩ mô. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 09/2015 đã được đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020; 186 tỷ kWh năm 2030 và đạt 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050. Để tạo động lực và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, Chính phủ đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều, đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán điện mặt trời áp mái(ĐMTAM), đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án ĐMTAM.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế như: Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu,.. Được biết, để thúc đẩy phát triển ĐMTAP tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 05/07/2019 gồm 5 hợp phần là xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển ĐMTAM theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; chương trình chứng chỉ ĐMTAM và xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông. Theo đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các hoạt động như xây dựng, hoàn thiện chính sách về ĐMTAM; thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho bên lắp đặt ĐMTAM; xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm dành cho hệ thống ĐMTAM; triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ĐMTAM.

       Với các chính sách nhất quán và cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhiều ưu đãi, hiện nay Việt Nam đang thu hút một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời nói riêng. Không nằm ngoài thời cuộc, năm 2020 Công ty Cổ phần Vimarko đã thực hiện triển khai, nghiên cứu và quyết định đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời. Cụ thể là công ty đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái tại 2 khu vực là Phú Yên và Lâm Đồng. Các địa phương này thuộc khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nơi có số giờ nắng trong năm và cường độ bức xạ mặt trời lớn nhất cả nước, mặt trời chiếu gần như quanh năm, kể cả vào mùa mưa. Cụ thể: số giờ nắng trong năm trung bình từ 2.000 - 2.600 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,9 - 5,7 kWh/m2/ngày. Do đó, đây được đánh giá là các khu vực có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời.

Bảng 5: Số liệu về bức xạ mặt trời tại Việt Nam

Vùng

Số giờ nắng trong năm

Cường độ bức xạ mặt trời (kWh/m2, ngày)

Ứng dụng năng lượng mặt trời

Đông Bắc

1.600 - 1.750

3,3 - 4,1

Trung bình

Tây Bắc

1.750 - 1.800

4,1 - 4,9

Trung bình

Bắc Trung Bộ

1.700 - 2.000

4,6 - 5,2

Tốt

Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

2.000 - 2.600

4,9 - 5,7

Rất tốt

Nam Bộ

2.200 - 2.500

4,3 - 4,9

Tốt

Trung bình cả nước

1.700 - 2.500

4,6

Tốt

Hình 1: Bản đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam

 Dự án điện huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

(Nguồn:https://solarpower.vn/cuong-do-buc-xa-nang-luong-mat-troi-tai-cac-khu-vuc-viet-nam/)

Các dự án điện mặt trời của Công ty được đầu tư theo hình thức EPC và tổng thầu thực hiện là các nhà thầu uy tín trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, cung cấp, thi công và lắp đặt trọn gói các dự án điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2020, các dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty đã hoàn thành, được nghiệm thu và đi vào hoạt động, chính thức đem lại doanh thu cho Công ty trong năm 2021. Giá bán điện được hưởng mức giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2022 mức giá đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà là 8,38 US cent/kWh, tương đương 1.939 đồng/kWh. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện.

(Nguồn: Công ty Cổ phần Vimarko)